Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

Định nghĩa về chuyên viên tuyển dụng nhân sự

CHUYÊN VIÊN TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ LÀ?

Con người vốn là một thực thể phức tạp với vô vàn cảm xúc, suy nghĩ khác nhau. Chính vì vậy việc tương tác, làm việc trực tiếp với con người là cả một nghệ thuật. Trong tất cả các nghề, nghề quản trị nhân sự (Human Resource Management_HRM) được xem là nghề có sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật quản lý. 

Nhắc đến nghề quản trị nhân sự, trước đây người ta thường hiểu đó là công việc hành chính, quản lý giấy tờ, tính toán các khoản chi phí lương, thưởng, bảo hiểm...Tuy nhiên với quan điểm của quản trị nhân sự hiện đại, nghề nhân sự không chỉ dừng lại ở việc tuyển dụng (Recruitment & Selection), đào tạo (Training & Development), tính toán các khoản tiền lương, thưởng cho nhân viên (Compensation & Benefits) mà còn đóng vai trò hỗ trợ nhà quản lý, cấp trên hoạch định chiến lược phát triển nguồn lực của doanh nghiệp. Họ chính là người tư vấn, hỗ trợ cấp trên thực hiện những hoạt động quản lý đội ngũ nhân sự cho đơn vị mình. Trong tất cả các công việc của nghề nhân sự không thể không nhắc đến hoạt động tuyển dụng nhân sự: vốn được xem là công việc đầu tiên và quan trọng nhất của công tác quản lý nhân sự và vai trò của chuyên viên tuyển dụng.

Vậy tuyển dụng nhân sự là gì? Chuyên viên tuyển dụng giữ vị trí như thế nào? Trong bài viết này của tôi sẽ giải đáp những thông tin cơ bản nhất về vấn đề trên dưới góc nhìn quan điểm cá nhân có sự kết hợp nhiều nguồn tài liệu tham khảo.


Tuyển dụng nhân sự nói một cách dễ hiểu nhất là tuyển chọn con người để sử dụng cho mục đích hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Đó là một quá trình tìm kiếm, thu hút và tuyển chọn từ nhiều nguồn khác nhau những nhân viên đủ khả năng đảm nhiệm vị trí mà doanh nghiệp cần tuyển. Việc tìm được người lao động phù hợp với vị trí công việc ngay từ khâu ban đầu sẽ giúp cho hoạt động quản trị được dễ dàng, nhẹ nhàng hơn.Và chuyên viên tuyển dụng là người thực hiện công việc tìm kiếm, thu hút, lựa chọn ứng viên phù hợp với vị trí mà tổ chức, doanh nghiệp mình đang cần.

Khi nói đến quá trình tuyển dụng, việc này không chỉ dừng lại ở một vài khâu như đăng tuyển thông tin, phỏng vấn, thông báo nhận việc mà đó là một quá trình lâu dài từ việc xác định nhu cầu tuyển dụng đến giải quyết những yêu cầu, hợp đồng người lao động rời khỏi công ty, xin nghỉ việc. Chính vì vậy vai trò của chuyên viên tuyển dụng là cả một quá trình lâu dài, liên tục. Một khi lựa chọn được người lao động phù hợp và họ có sự gắn bó, thăng tiến phát triển lâu dài với tổ chức, doanh nghiệp thì khi ấy hoạt động tuyển dụng đã thành công.

Vậy chuyên viên tuyển dụng có phải được ví như những nhà tiên tri, thầy bói có thể phán đoán, lựa chọn chính xác đối tượng người phù hợp cho doanh nghiệp hay không nhằm đạt được hiệu quả cao nhất và tránh lãng phí, rủi ro nguồn lực? Để có thể tuyển dụng thành công, mỗi chuyên viên tuyển dụng cần có những năng lực chuyên môn, thái độ, và kinh nghiệm nhất định đáp ứng yêu cầu công việc (Vận dụng mô hình năng lực KSA: Kiến thức (Knowledge), Kỹ năng (Skill), Thái độ (Attitude).

Thứ nhất, về năng lực, kiến thức chuyên môn.

Mỗi chuyên viên tuyển dụng cần nắm vững kiến thức cơ bản về kinh tế, xã hội, kiến thức chuyên ngành quản trị nguồn nhân lực (tuyển dụng, đào tạo, luật pháp, cách tính lương, bảo hiểm, quan hệ lao động…), tâm lý nghệ thuật lãnh đạo, tâm lý học, văn hóa doanh nghiệp… Nói tóm lại là hiểu biết càng nhiều lĩnh vực, am tường nhiều khía cạnh chuyên sâu của nghề càng tốt. Bởi vì nghề nhân sự chính là nghề của trăm nghề, nếu một người chuyên viên không am hiểu rõ mô tả, yêu cầu, những tính chất đặc thù của một công việc thì làm sao họ có thể tuyển dụng, lựa chọn đúng nghề phù hợp với công việc ấy.

Thứ hai, về kỹ năng, kinh nghiệm làm việc.

Là một chuyên viên tuyển dụng cần trở thành một người đa năng, vận dụng thành thạo nhiều kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, đàm phán, kỹ năng lên kế hoạch, sắp xếp công việc, kỹ năng phán đoán, quyết định… Trong xã hội hiện đại, việc thành thạo ngoại ngữ, tin học là công cụ để chuyên viên tuyển dụng tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức giúp cho việc quản lý được dễ dàng hơn. Bên cạnh những kỹ năng làm việc (bao gồm vô vàn những kỹ năng khác nữa mà tôi chưa liệt kê đầy đủ) cũng cần phải có kinh nghiệm, thâm niên của người làm nghề. Kinh nghiệm càng lâu, càng sâu thì việc đánh giá, phán đoán và lựa chọn đúng người tổ chức, doanh nghiệp cần càng hiệu quả, chính xác. Tôi học được một nguyên tắc về sự thành công của một nghề có được là: nguyên tắc 1000 giờ. Nghĩa là muốn thành thạo 1 nghề nào đó cần phải trải qua quãng thời gian lâu dài, bền bỉ để tích lũy, rèn luyện kinh nghiệm. Và kinh nghiệm, thâm niên của chuyên viên tuyển dụng cũng thế, phải trải qua nhiều năm mới đạt được độ chín trong nghề.

Thứ ba, về thái độ làm việc.

Trở thành một chuyên viên tuyển dụng chuyên nghiệp, mỗi người cần trang bị cho mình những thái độ như: sự chuyên nghiệp, chu đáo, tận tâm đối với công việc. Sự tôn trọng, thấu hiểu, biết cách hỗ trợ đối với ứng viên, người lao động. Tinh thần cầu tiến học hỏi, kiên nhẫn trong công việc… Có thể nói, chuyên viên tuyển dụng đóng vai trò vừa là người tuyển chọn vừa là một đại sứ quảng bá hình ảnh, thương hiệu, bộ mặt bên ngoài của tổ chức, doanh nghiệp mình đến với ứng viên, người lao động. Chính vì vậy, việc chứng tỏ sự chuyên nghiệp, tận tình trong công việc, thái độ tôn trọng, thấu hiểu người ứng viên là vô cùng quan trọng để cho ứng viên có cái nhìn thiện cảm, yêu thích doanh nghiệp mà họ đang mong muốn làm việc. Lưu ý trong mỗi cuộc phỏng vấn, cả nhà tuyển dụng và ứng viên đều giữ quyền chủ động ngang nhau, cả ứng viên và nhà tuyển dụng đều được bình đẳng đánh giá, đưa ra quyết định lẫn nhau. Nhà tuyển dụng đưa ra quyết định lựa chọn ứng viên và ngược lại chính ứng viên cũng đưa ra quyết định lựa chọn nơi làm việc để cống hiến sức lực, thăng tiến phát triển cùng với tổ chức, doanh nghiệp đó.
Kết lại, chuyên viên tuyển dụng nhân sự giữ một vai trò và tầm quan trọng to lớn đối với bất kỳ một tổ chức, doanh nghiệp nào. Bài viết này cơ bản đã giới thiệu sơ lược về công việc cụ thể, những yêu cầu của một người làm công tác tuyển dụng cần có thông qua góc nhìn cá nhân kết hợp với sự vận dụng từ nhiều nguồn tài liệu tham khảo khác nhau. Mong rằng bài viết này sẽ thật sự có ích đối với những ai đang mong muốn theo đuổi trở thành một chuyên viên tuyển dụng nói riêng và người làm công tác nhân sự chuyên nghiệp nói chung.


1 nhận xét: